Trang Chủ >> Trao đổi   

KĨ NĂNG VIẾT PHẦN MỞ BÀI TRONG VĂN NGHỊ LUẬN

05/01/2018 Lượt xem 598

Kĩ năng viết phần mở bài trong văn nghị luận
    “Văn hay không kể văn dài

      Chỉ mở đầu bài là biết văn hay”

Câu nói mà chúng ta thường nghe trên đã nói lên tầm quan trọng của phần mở bài đối với một bài văn. Tất nhiên một bài văn hay cần nhiều kĩ năng song viết mở bài là một kĩ năng quan trọng cho thấy người viết đã xác định đúng vấn đề, tạo tâm thế cho người đọc tiếp nhận bài viết.  Mở bài thường có 2 phần:

-Phần đầu nêu những câu dẫn dắt vào đề.

-Phần sau nêu vấn đề trọng tâm của bài viết (luận đề).

     Câu nói mà chúng ta thường nghe trên đã nói lên tầm quan trọng của phần mở bài đối với một bài văn. Tất nhiên một bài văn hay cần nhiều kĩ năng song viết mở bài là một kĩ năng quan trọng cho thấy người viết đã xác định đúng vấn đề, tạo tâm thế cho người đọc tiếp nhận bài viết.  Mở bài thường có 2 phần:

-Phần đầu nêu những câu dẫn dắt vào đề.

-Phần sau nêu vấn đề trọng tâm của bài viết (luận đề).

Phần dẫn dắt vào đề có hai cách trực tiếp hoặc gián tiếp.Dẫn trực tiếp là đi thẳng vào vấn đề nghị luận đặt ra trong đề bài.Dẫn gián tiếp là đi từ cái chung đến cái riêng, từ khái quát đến cụ thể. Sau đây là một số cách mở bài gián tiếp:

1.Mở bài bằng cách kể một câu chuyện rồi dẫn vào vấn đề :

Đề ra : Suy nghĩ của anh(chị) về tính ích kỉ và lòng vị tha trong cuộc sống của chúng ta.

Mở bài :

        Tôi từng nghe một câu chuyện : Ba hành khách Sòng phẳng,Ích kỉ và Vị tha cùng đi trên một chuyến tàu tới ga Tình yêu để gặp người bạn đời của mình .Cả ba đều mang theo mình hai món quà Nhận và Cho, nhưng trọng lượng của chúng lại khác nhau. Hành khách Sòng phẳng đem món quà Cho bằng Nhận.Hành khách Ích kỉ đem món quà Cho ít hơn Nhận. Hành khách Vị tha đem món quà Cho nhiều hơn Nhận.Tàu đến ga,đón ba hành khách ấy là ba nhân vật khác nhau.Đón Sòng phẳng là Khô khan,đón Ích kỉ là Bất an và đón Vị tha là Hạnh phúc.Bạn nghĩ sao về những cặp đôi này ? Đâu mới là cặp hoàn hảo hơn cả ?

2.Mở bài bằng cách đưa ra một hoặc vài câu thơ,lời hát rồi dẫn dần vào bài.(Lưu ý câu thơ,câu hát phải gắn với điều định bàn,phải sinh động,hấp dẫn)

Đề 1:Suy nghĩ của anh (chị) về nạn phân biệt chủng tộc ?

Mở bài 

Khi tôi sinh ra,tôi màu đen.

Khi tôi lớn lên,tôi màu đen.

        Khi tôi đi dưới nắng,tôi màu đen
       Khi tôi sợ,tôi màu đen.
       Khi tôi bệnh,tôi màu đen.

      Và khi tôi chết,tôi vẫn màu đen.

    Còn bạn,hỡi người da trắng.

    Khi bạn sinh ra,bạn màu hồng.

    Khi bạn lớn lên,bạn màu trắng.

     Khi bạn đi dưới nắng,bạn màu đỏ.

    Khi bạn lạnh,bạn màu xanh.

   Khi bạn sợ,bạn màu vàng.

             Khi bạn bệnh,bạn màu xanh(lá).

                Và khi bạn chết đi,bạn màu xám.

 

                Thế mà bạn gọi tôi là da màu ư ?

    Bài thơ do em bé châu Phi viết trên đây được bình chọn là một bài thơ đạt giải hay nhất năm 2005.Nhưng điều gì khiến một em bé lại có thể viết những dòng thơ nhức nhối đến thế ? Phải chăng,sự phân biệt chủng tộc đã hằn sâu đến cả tâm hồn con trẻ.

Đề 2 : Rừng xà nu  của Nguyễn Trung Thành, Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi  là những truyện ngắn hay đã khám phá, ca ngợi vẻ đẹp của con người Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. 

      Anh, chị hãy so sánh và làm rõ những khám phá, sáng tạo riêng của mỗi tác phẩm trong sự thể hiện chủ đề đó.

  Mở bài :          

                               Yêu biết mấy những con người đi tới

                                 Hai cánh tay như hai cánh bay lên

                                 Ngực dám đón những phong ba dữ dội

                                 Chân đạp bùn không sợ các loài sên!

                                                                   ( Mùa thu mới-Tố Hữu)

          Hình ảnh những con người Việt Nam ấy đã đi vào thơ ca như một niềm thơ lớn và trở thành phần hồn của mỗi người con đất Việt.  Yêu biết mấy hình ảnh những người dân quê tôi: cần cù trong lao động, anh hùng trong chiến đấu.  Văn thơ thời kì kháng chiến chống Mĩ đã dựng lại cả một thời kì máu lửa, đi sâu tìm tòi, khám phá, ngợi ca vẻ đẹp của con người.  Tôi nhớ mãi một Tnú, cụ Mết trong Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành; chị Chiến, anh bộ đội tên Việt trong Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi. Họ là hiện thân của vẻ đẹp con người Việt Nam, của sức sống dân tộc.  Năm tháng trôi đi và lịch sử đã bước sang trang mới nhưng những con người ấy vẫn sáng ngời lên, nhắc nhở ta về một quảng đường đầy gian khổ, đau thương, lại rất đỗi anh hùng mà đất nước mình đã đi qua.  Để rồi mỗi lần đọc lại, tôi không khỏi ngỡ ngàng vì người dân mình đẹp quá, dũng cảm quá ; và lòng tôi tưởng như được sống lại những ngày còn chiến tranh, bom đạn ấy. 

Đề 3:

‘‘Chỉ có trái tim yêu thương mới gieo mầm hạnh phúc” (Đặng Thùy Trâm).

 Suy nghĩ của anh/chị về câu nói trên.

Mở bài :          

Tôi hỏi đất: Đất sống với đất  như thế nào?

-Chúng tôi tôn cao nhau.

Tôi hỏi nước: Nước sống với nước như thế nào?

-Chúng tôi làm đầy nhau.

Tôi hỏi cỏ: Cỏ sống với cỏ  như thế nào?

-Chúng tôi đan vào nhau làm nên  những chân trời.

Tôi hỏi người:

- Người sống với người  như thế nào?

Tôi hỏi người:

- Người sống với người như thế nào?

Tôi hỏi người:

- Người sống với người như thế nào?”(Hỏi – Hữu Thỉnh)

Qua sự lặp lại ba câu thơ cuối ở bài thơ Hỏi, Hữu Thỉnh đã nhấn mạnh, đề cao về lối sống, cách ứng xử giữa người với người. Xã hội ngày càng đi lên, con người ngày càng tiến bộ. Nhưng con người cũng ngày càng bon chen, xô đẩy giữa dòng đời, giá trị vật chất ngày càng được coi trọng mà lãng quên đi luân thường đạo lí, tình yêu thương. Thế nhưng với quan niệm sống của Đặng Thùy Trâm, sống là yêu thương, là cho đi, sống vì người khác. Quan niệm sống ấy đã được cô gửi gắm qua câu: “Chỉ có trái tim yêu thương mới gieo mầm hạnh phúc”

 

3.Dựa vào lời đánh giá ấn tượng của một nhà phê bình tên tuổi :

Đề ra : Tính luận đề trong tác phẩm ‘Chiếc thuyền ngoài xa ” của Nguyễn Minh Châu.

Mở bài :

   ‘‘Không thuộc số nhà văn loé sáng từ tác phẩm đầu tiên,không sớm thành danh như Nguyễn Huy Thiệp sau này, Nguyễn Minh Châu giống như người tri âm,tri kỉ với độc giả nhưng phải cùng nhau vượt qua dốc núi khá cheo leo,hiểm trở.Cũng có thể ví von ông là một tác giả đã tặng ta một thứ rượu ngon,được chưng cất kĩ lưỡng,khi uống phải chậm rãi,nhấm nháp và khi ngấm là say.’’(Phan Cự Đệ).Có thể lấy nhận xét trên để đánh giá về vị trí của Nguyễn Minh Châu cũng như phong cách nghệ thuật của ông.Trong số những tác phẩm tiêu biểu cho sự đổi mới về tư duy nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu, Chiếc thuyền ngoài xa  được đánh giá là một trong những tác phẩm đã khẳng định được tên tuổi của nhà văn  được xếp vào bậc ‘tinh anh và tài năng nhất của văn học ta hiện nay’’

4.Mở bài  theo lối so sánh (hai vấn đề tương tự hoặc đối lập).

Đề 1 : Tình yêu quê hương, đất nước là một nét nổi bật của thơ thời kì kháng chiến chống Pháp (1946-1954).

       Hãy phân tích những nét chung và đặc điểm riêng  của cảm hứng về quê hương đất nước trong các bài thơ Bên kia sông Đuống (Hoàng Cầm),Việt Bắc (Tố Hữu) và Đất nước (Nguyễn Đình Thi).

Mở bài :

       Tình yêu quê hương đất nước là một nguồn thơ không bao giờ vơi cạn trong văn học nước ta.Đó là cảm hứng chủ đạo của thơ kháng chiến chống Pháp,thấm đượm trong từng ngòi bút thơ,đến từng bài thơ.Một cô gái Thăm lúa nhớ chồng,một Bài ca vỡ đất,những người lính Tây Tiến,những bà bầmbà bủ,cho đến cả mối tình Núi Đôi và tiếng súng Viếng bạn..tất cả đều được ủ nóng và chiếu sáng bằng tình yêu quê hương đất nước.Trong mạch cảm hứng chung ấy, Bên kia sông Đuống(Hoàng Cầm),Việt Bắc (Tố Hữu) và Đất nước (Nguyễn Đình Thi) nổi lên như những tiếng thơ sâu lắng thiết tha,những gương mặt tiêu biểu nhất về quê hương đất nước.

Đề 2 : Cảm nhận của anh(chị) về nhân vật Mị trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Nhà văn Tô Hoài

Mở bài : Chúng ta đã gặp không ít những số phận người phụ nữ bi thương trong các tác phẩm văn học Việt Nam, đó là một nàng Vũ Nương oan khuất, một nàng Kiều bi kịch, một Chị Dậu tủi hờn... Nhưng khi tiếp cận với dòng văn học cách mạng, vẫn những người phụ nữ ngày xưa ấy lại trỗi dậy mạnh mẽ, đứng dậy làm chủ đời mình. Một trong những nhân vật văn học nữ tiêu biểu đó là Mị trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài ...

         Tóm lại, cách mở bài gián tiếp thường tạo được ấn tượng mạnh cho người đọc, cho thấy người viết có vốn hiểu biết phong phú, nắm chắc vấn đề nghị luận.Mở bài gián tiếp tạo cho bài viết có chất văn chương, sáng tạo hơn. Tuy nhiên, cách mở bài gián tiếp rất dễ lan man, dài dòng, sa đà vào vấn đề khác dẫn đến xa đề hoặc lạc đề. Do vậy các em cần đọc thật kĩ đề bài, gạch chân những từ ngữ quan trọng để xác định cho đúng vấn đề nghị luận. Thời gian cho phần mở bài nên dành 1/10 tổng thời gian của toàn bài, tránh mất nhiều thời gian không kịp viết những phần khác. Mở bài là một phần nhỏ nhưng không thể thiếu trong bài làm văn nghị luận.Viết tốt phần mở bài không chỉ tạo tâm thế hứng khởi, thiện cảm cho giám khảo mà còn là nguồn cảm hứng để các em hoàn thành tốt những phần còn lại của bài làm văn.

 

                                                                            



 Các tin liên quan





 
http://violympic.vn/
Trực tuyến:
2
Hôm nay:
1,532
Hôm qua:
215
Tuần này:
2,340
Tuần trước:
4,767
Tháng này:
8,431
Tháng trước:
19,580
Tất cả:
294,184